Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

THƠ TÌNH NGƯỜI LÍNH BIỂN

Anh ra khơi

Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng

Biển một bên và em một bên.



Biển ồn ào, em lại dịu êm

Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên



Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

Thăm thẳm nước trôi, nhưng anh không cô độc

Biển một bên và em một bên.



Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

Biển một bên và em một bên.



Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không hiểu nữa. Chỉ còn anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên...

Những người chết không trẻ mãi

Có một người vợ lính ra với Trường Sa...

Mùa biển lặng cuối tháng 3/2005, êkip làm chương trình “Người đương thời” (VTV) đã có một chuyến hành trình vượt biển “không thể nào quên trong cuộc đời”
Lặng lẽ trong đoàn có một cô gái trẻ không là diễn viên, phóng viên hay thanh niên đoàn công tác nào, cô vượt biển ra thăm chồng - điều hiếm hoi với lính Trường Sa...
Cô gái đó tên Phạm Thị Lương (tức Hiền Lương), nhân viên văn phòng Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 1 (Nha Trang, Khánh Hòa), ra thăm chồng - thiếu úy Nguyễn Hải Dương (thuộc lữ đoàn 146 hải quân), họ mới cưới nhau được một tháng thì anh lên đường ra đảo.
Hôm hay tin sẽ được ra đảo thăm chồng, Hiền Lương chạy ào ra chợ mua ít quà cho chồng mà chân lập cập như người say rượu vì mừng. Chưa bao giờ ra biển, chưa bao giờ hiểu được sóng gió đại dương nên Hiền Lương bị say sóng nằm bẹp gí trong khoang tàu dù đang mùa biển lặng.
Sau hai ngày đêm, Lương choàng tỉnh khi nghe tiếng reo hò ngoài boong. Chị nhờ hai người dìu ra bên ngoài. Trước mắt chị là một chấm nhỏ ở đường chân trời. Cái chấm đó to dần, to dần... Hiền Lương nói về cảm nhận của mình: “Giữa biển cả mênh mông cái chấm nhỏ hiên ngang quá đỗi”.
Ở cầu tàu đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa), Hiền Lương được đưa vào đảo bằng chuyến xuồng thứ hai. Thiếu úy Hải Dương đã biết trước trên chuyến tàu này có vợ mình, nhưng đến khi thấy vợ ngay trước mặt cứ nhìn sững như không tin đó là sự thật. Hiền Lương ào đến ôm chồng, nước mắt cứ thế trào ra, bao tháng ngày thui thủi bất chợt ùa về... Chỉ huy đảo Nam Yết toát mồ hôi trước sự kiện đặc biệt này.
Bấy lâu ở đảo chỉ toàn dân nhà binh, biên chế quân số đâu ra đó, nay lại có một “nữ binh” vượt biển ra thăm chồng mới... “chết đứng” chứ. Tính toán căng thẳng, cuối cùng phòng của hai anh lính đảo được trưng dụng nhường cho đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật hôm nào dở dang và thật đặc biệt: Trường Sa...
Ngày đầu tiên dẫn vợ đi chào đồng đội khắp đảo, nhiều lính trẻ trên đảo trêu: “Tớ cưới vợ cùng ngày với cậu mà được thế đâu, sẽ đề nghị thủ trưởng sau này cho vợ con ra thăm mới công bằng chứ”.
Bấy giờ là mùa khô, đảo oi bức, nước dự trữ trong hồ cạn kiệt, nước uống còn phải cầm chừng, thế nhưng những người lính đảo đã bảo nhau nhường “vàng” (nước) cho Hiền Lương. Có khách đặc biệt đến thăm mà Hiền Lương nhìn đồng đội của chồng quây quần bên mâm cơm chỉ toàn đồ hộp, càng thương chồng và những người lính Trường Sa hơn. Hiền Lương ước ao: giá như ở đất liền mình sẽ trổ tài nấu cho những người lính một nồi canh và một rổ rau xanh to tướng.
Lính đảo sống cực vậy mà “ướt át” lắm, họ xuống biển chọn những vỏ ốc đẹp nhất đem kết thành hoa gọi là “hoa đảo” để tặng những người đến từ đất liền.
Đêm cuối cùng, vợ chồng Lương thức trắng. Ngày mai tàu rời đảo về đất liền, cô vợ trẻ sẽ trở về với mái nhà, còn chồng vẫn ở lại giữa mịt mù biển khơi... Khi những cánh tay trên boong tàu vẫy chào nhỏ dần, có những giọt nước mắt của người trên tàu, Hiền Lương cũng khóc nhưng cô nhớ mãi lời Hải Dương động viên: “Thôi em về trước, tết này anh lại về với em...”.
Hiền Lương nhớ mãi ngày chồng khoác balô lên tàu ra đảo. Ngày ấy, anh mím môi không chịu cho người vợ trẻ đi tiễn ở Cam Ranh nên không có cảnh tiễn đưa, chia tay như hôm ở Trường Sa. Một mình thui thủi, những lúc ở trường còn có đồng nghiệp, học trò, mỗi chiều vừa về tới nhà là trái tim người vợ trẻ cứ nhói lên.
Ấy vậy mà hàng chục lá thư gửi ra đảo xa chị đều kể anh nghe toàn những chuyện vui nơi đất liền. Hiền Lương bộc bạch: “Không có cũng ráng kiếm chuyện vui của học trò, đồng nghiệp kể cho anh ấy nghe, có vậy anh ấy mới yên tâm công tác”.
Hôm chúng tôi đến xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang trời đang mưa dầm. Căn nhà nhỏ vẫn còn tươi trên vách dòng chữ của ngày tân hôn “Hiền Lương - Hải Dương, trăm năm hạnh phúc”. Mấy hôm trước Hiền Lương đã chuẩn bị đi mua sắm ít quà để tết này vợ chồng cùng về quê thăm gia đình ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhưng rồi tin gửi về từ đảo xa: “Tết này thiếu úy Hải Dương sẽ không về do phải làm nhiệm vụ đảo xa”.
Biết làm vợ lính đảo phải chấp nhận hi sinh, thiếu thốn, nhưng Hiền Lương cũng cảm thấy buồn thế nào ấy. Những lúc như vậy Hiền Lương tìm đến Ngọc, một người bạn cũng có người yêu là lính đảo. Hai chị em cùng cảnh rủ rỉ tâm sự suốt những lần ngủ chung. Người yêu của Ngọc ra đảo suốt gần hai năm, bạn bè nói xa nói gần: “Người gần không yêu, yêu chi người mấy năm không nhìn thấy mặt”.
Chỉ có Hiền Lương mới hiểu nỗi lòng của những người đã dành nửa của mình cho những người lính đảo: “Khi người ta yêu thật sự thì có lẽ như cây phong ba ở Trường Sa vậy, giữa sóng gió, bão tố vẫn vươn lên...